Xuất bản thông tin

null Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ HCC tỉnh Đồng Tháp: Một số kết quả công tác nổi bật năm 2019

Trang chủ Chi tiết bài viết

Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ HCC tỉnh Đồng Tháp: Một số kết quả công tác nổi bật năm 2019

Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ HCC tỉnh Đồng Tháp: Một số kết quả công tác nổi bật năm 2019

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2019, tập thể công chức, viên chức, nhân viên Trung tâm Kiểm soát TTHC và phục vụ HCC tỉnh Đồng Tháp đã đoàn kết, nổ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được UBND Tỉnh và Văn phòng UBND Tỉnh giao. Trung tâm đã tiếp nhận 58.020 hồ sơ TTHC. Trong đó, kỳ trước chuyển sang là 1.545 hồ sơ, nhận mới 56.475 hồ sơ, tăng 12.423 hồ sơ (tăng 28,20%) so với năm 2018. Tổng số hồ sơ đã giải quyết: 55.684, trong đó: Số hồ sơ giải quyết đúng hạn: 6.278, đạt 11,27%; số hồ sơ giải quyết trước hạn: 49.389, đạt 88,70% (tăng 10,3% so với năm 2018); tổng số hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn là 2.336. Điểm nổi bật là Trung tâm tiếp tục đề xuất triển khai nhiều mô hình, giải pháp mang lại kết quả, bài viết này điểm qua một số kết quả công tác nổi bật tại Trung tâm trong năm 2019.

1. Triển khai mô hình “04 tại chỗ trong 01 ngày” đối với các TTHC về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, Trung tâm đã đề xuất UBND Tỉnh, Văn phòng UBND Tỉnh và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an Tỉnh triển khai mô hình “04 tại chỗ trong 01 ngày” đối với 23 TTHC thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Theo mô hình này, thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn từ 03 ngày làm việc theo quy định hiện hành xuống còn 01 ngày làm việc. Các công đoạn từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ đến khâu ký duyệt hồ sơ và trả kết quả đều được thực hiện trực tiếp ngay tại Trung tâm (04 tại chỗ). Sở Kế hoạch và Đầu tư phân công Lãnh đạo Phòng Đăng ký doanh nghiệp hàng ngày có mặt tại Trung tâm để kịp thời giải quyết các hồ sơ phát sinh. Mô hình này chính thức triển khai kể từ ngày 01/8/2019, đến nay, đã thực hiện 205 hồ sơ của doanh nghiệp. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp rút ngắn được thời gian và giảm chi phí tuân thủ các TTHC.

Ảnh: Sở KH&ĐT triển khai mô hình “04 tại chỗ trong 01 ngày” tại Trung tâm

2. Mở rộng Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh và Mô hình Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân:

Tiếp tục những kết quả đạt được trong năm 2018 của Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh, trong năm 2019, UBND Tỉnh đã phê duyệt 02 quyết định về việc triển khai giai đoạn 3 (Quyết định số 747/QĐ-UBND-HC ngày 24/7/2019) và giai đoạn 3 mở rộng (Quyết định số 1382/QĐ-UBND-HC ngày 18/11/2019) của Đề án. Đến nay, Đề án đã được triển khai thực hiện ở cả 03 cấp tỉnh, huyện, xã, cụ thể như sau:

- Cấp tỉnh: Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công đã chuyển giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với các TTHC thuộc 08 lĩnh vực: Ngoại vụ; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Lao động – Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trụ sở Trung tâm dự kiến sẽ được di dời, bố trí tại Tòa nhà Bưu điện Tỉnh trong tháng 3 năm 2020.

- Cấp huyện: 11 Bộ phận Một cửa cấp huyện (trừ thành phố Cao Lãnh) đã chuyển giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC (04 đơn vị đã chuyển giao tất cả các lĩnh vực là Tam Nông, Thanh Bình, Sa Đéc, Lấp Vò; các đơn vị còn lại chuyển giao từ 05 đến 10 lĩnh vực). 09 Bộ phận Một cửa đã bố trí trụ sở tại tòa nhà Bưu điện cấp huyện (trừ thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc và huyện Châu Thành).

- Cấp xã: 29 Bộ phận Một cửa kết hợp Bưu điện Văn hóa cấp xã thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố đã chuyển giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhận, gửi các TTHC liên thông, các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, các TTHC theo Mô hình Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân trên địa bàn tỉnh...

 

Ảnh: Lễ công bố giai đoạn 3 của Đề án vào ngày 01/8/2019

Việc thí điểm tiếp tục cho thấy những ưu điểm nổi bật của Mô hình như: Tiết giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất và chi thường xuyên; giảm tải khối lượng công việc tại Bộ phận Một cửa và đơn vị chuyên môn; ý thức, thái độ phục vụ đối với tổ chức, công dân tốt hơn; tổ chức, công dân tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức khi thực hiện TTHC...

Song song đó, UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định số 343/QĐ-UBND-HC ngày 23/4/2019 về việc công bố danh mục TTHC theo Mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân. Theo đó, đã mở rộng mô hình Hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân (triển khai từ tháng 12/2017) lên 49 TTHC ở cấp tỉnh và thống nhất mở rộng thực hiện đối với 35 TTHC ở cấp huyện. Theo mô hình này, người dân có thể đề nghị nhân viên Bưu điện đến tận nhà để hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC theo thời gian thuận tiện mà không cần phải đi đến cơ quan công quyền.

Tính đến nay, đã có khoảng 400 hồ sơ của người dân được thực hiện theo mô hình này đối với các TTHC ở cấp tỉnh như: Cấp phiếu lý lịch tư pháp; cấp bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; bổ sung, giảm ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện các TTHC, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại... nên được tổ chức, công dân ủng hộ, tin tưởng.

3. Đề xuất triển khai Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 Đồng Tháp:

Để đm bảo công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh được kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, UBND Tỉnh đã giao Trung tâm xây dựng Đề án thí điểm thành lập Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp. Ngày 28/10/2019, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 1244/QĐ-UBND-HC về việc ban hành Đề án. Theo lộ trình thực hiện, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện như: Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện; triển khai hội nghị tập huấn các cơ quan, đơn vị, địa phương vận hành phần mềm; xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ công bố; tham mưu Công văn chỉ đạo thực hiện… đặc biệt là tiến hành đào tạo hàng tuần điện thoại viên để nắm vững các kiến thức, văn bản, quy định có liên quan đến TTHC, dịch vụ công…

Ảnh: Tổng đài 1022 tỉnh Đồng Tháp

Nhờ công tác chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, Đề án đã chính thức thực hiện từ đầu năm 2020 theo đúng lộ trình thực hiện. Ưu điểm nổi trội của Tổng đài so với các đường dây nóng thông thường là dựa sự chuyên nghiệp của người tiếp nhận thông tin (các điện thoại viên), sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và quy chế làm việc chặt chẽ, khoa học, cùng với sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của UBND Tỉnh. Do đó, mô hình Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 hứa hẹn là một giải pháp hữu hiệu, đáp ứng tốt hơn, mang lại các lợi ích thiết thực hơn khi dựa vào đó người dân, doanh nghiệp có thể đặt yêu cầu và nhận được những thông tin phản hồi kịp thời, chính xác, đầy đủ cho những nội dung mà mình quan tâm, từ hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

4. Kết quả thực hiện công tác cải cách TTHC và hiện đại hoá hoạt động Trung tâm

Trung tâm tham mưu Lãnh đạo Văn phòng UBND Tỉnh, trình UBND Tỉnh công bố Danh mục các TTHC và phê duyệt Quy trình nội bộ giải quyết TTHC ở tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, Thanh tra Tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/ hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí và ban hành các Quy chế phối hợp liên thông giải quyết các TTHC trên địa bàn Tỉnh như: Liên thông trong giải quyết các TTHC lĩnh vực Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp - cấp Chứng chỉ hành nghề y, dược; Liên thông trong giải quyết các TTHC lĩnh vực Nội vụ… giúp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đồng thời, giảm số lần đi lại cho người đăng ký thực hiện TTHC.

Tiến hành rà soát, cập nhật và công bố 1.579 TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 80,99% so với yêu cầu, kết nối tích hợp Cổng Dịch vụ công của Tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tiếp nhận và giải quyết một số TTHC lĩnh vực công thương, giao thông vận tải bằng hình thức trực tuyến mức độ 3 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tổ chức kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại 14/18 đơn vị cấp tỉnh, 12/12 đơn vị cấp huyện và 73/144 đơn vị cấp xã; qua đó, kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo các địa phương khắc phục những hạn chế, sai sót được phát hiện. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC; một cửa, một cửa liên thông tại 12/12 đơn vị cấp huyện, 18/18 đơn vị cấp tỉnh cho các đối tượng là đầu mối làm công tác kiểm soát TTHC và công chức có liên quan trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Phối hợp với các ngành, các cấp kiến nghị đơn giản hóa: 421/1.801 thủ tục, đạt 23,37% tổng số TTHC của tỉnh. Tổng chi phí tiết kiệm sau khi rà soát (dự kiến) là: 52.856.371.500 đồng/năm. Tiếp nhận và tham mưu xử lý theo quy định trên 190 phản ánh của công dân đối với trình tự, cách thức thực hiện, thời hạn giải quyết TTHC ở các lĩnh vực đất đai, tư pháp, xây dựng…

 

Ảnh: Người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm

Trong năm 2019, số hồ sơ tổ chức, công dân thực hiện trực tuyến (dịch vụ công mức độ 3, 4) là 10.348, đạt 18,32% tổng số hồ sơ nhận mới (tăng 5,31% so với năm 2018). Số hồ sơ đăng ký nhận kết quả qua đường bưu chính là 21.312 hồ sơ, đạt 37,74% tổng số hồ sơ nhận mới (tăng 17,13% so với năm 2018), gồm: gửi hồ sơ 7.704, nhận kết quả 6.372, gửi hồ sơ và nhận kết quả 7.236. Trung tâm đã tham mưu tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực bảo hiểm xã hội tại Trung tâm (bắt đầu từ ngày 02/12/2019); phối hợp hoàn thiện phần mềm một cửa điện tử; đề xuất xây dựng quy trình điện tử nội bộ tại Văn phòng UBND Tỉnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Trung tâm và các nội dung có liên quan đến TTHC; tiếp tục xây dựng 18 video clip hướng dẫn thực hiện TTHC; đẩy mạnh hoạt động của Trang thông tin điện tử, Facebook của Trung tâm

Đạt được kết quả trên là nhờ Lãnh đạo UBND Tỉnh, Văn phòng UBND Tỉnh, các sở, ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tích cực chỉ đạo thực hiện; sự cố gắng, nỗ lực làm việc và thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn của công chức, viên chức và nhân viên Bưu điện được chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp theo dõi, đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC; họp, trao đổi với các Sở, ngành xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện TTHC và thống nhất về các nội dung như: Thỏa thuận hợp tác với Bưu điện về việc cung ứng dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết TTHC theo hình thức người nhận trả cước và việc tiếp nhận hồ sơ TTHC do Bưu điện chuyển đến Trung tâm; triển khai thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC lĩnh vực thành lập, hoạt động doanh nghiệp tại Trung tâm; bổ sung phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC thông báo hoạt động khuyến mại (qua thư điện tử) và các nội dung khác liên quan… Trong năm 2020, Trung tâm tiếp tục phấn đấu triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đề xuất các giải pháp mới, đáp ứng sự tin tưởng của UBND Tỉnh, Văn phòng UBND Tỉnh và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp./.

                              - Trung tâm KSTTHC&PVHCC tỉnh Đồng Tháp –

Có thể bạn quan tâm