Xuất bản thông tin

null Nhìn lại 01 năm thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Trang chủ Chi tiết bài viết

Nhìn lại 01 năm thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Cách đây vừa tròn 01 năm, vào ngày 27/7/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Quyết định số 843/QĐ-UBND-HC về việc ban hành Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh. Là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện Đề án này, Đồng Tháp đã gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đây là điều chắc chắn không thể tránh khỏi khi triển khai một mô hình làm việc mới, chưa có trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, nhờ sự tin tưởng và sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, từ Lãnh đạo đến từng công chức và nhân viên của UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đã góp phần vào thành công chung của Đề án thời gian qua.

          Qua 01 năm thực hiện, Đề án đã triển khai được 02 giai đoạn. Cụ thể:

- Giai đoạn 1, bắt đầu từ ngày 01/8/2018:

+ Về chuyển giao nhiệm vụ hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho nhân viên Bưu điện thực hiện: Đã chuyển giao 06 lĩnh vực tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh gồm: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; chuyển giao từ 04 đến 05 lĩnh vực tại 02 Bộ phận Một cửa của: Huyện Thanh Bình và huyện Tam Nông.

+ Về bố trí trụ sở làm việc: Đã bố trí trụ sở Bộ phận Một cửa huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông và 04 xã (Tân Long, Tân Thạnh thuộc huyện Thanh Bình, Thường Phước 2, Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự) tại trụ sở Bưu điện cấp huyện, cấp xã các đơn vị nêu trên.

- Giai đoạn 2, bắt đầu từ ngày 05/11/2018:

+ Về chuyển giao nhiệm vụ hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho nhân viên Bưu điện thực hiện: Đã chuyển giao từ 04 đến 10 lĩnh vực tại 04 Bộ phận Một cửa của: Thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, huyện Lai Vung; riêng đối với Bộ phận Một cửa huyện Tam Nông (đơn vị đã thực hiện giai đoạn 1) thực hiện đối với các TTHC thuộc tất cả các lĩnh vực.

+ Về bố trí trụ sở làm việc: Đã bố trí trụ sở Bộ phận Một cửa 04 huyện, thị xã nêu trên và 23 xã, phường thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố tại trụ sở Bưu điện cấp huyện, cấp xã.

          Ngoài ra, tại 27 xã, phường đã chuyển giao nêu trên, nhân viên Bưu điện sẽ cùng với công chức Một cửa cấp xã thực hiện nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhận, gửi các TTHC liên thông, các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, các TTHC theo Mô hình Hẹn giờ thực hiện các TTHC tại nhà người dân trên địa bàn tỉnh...

Kết quả thực hiện mô hình thí điểm chuyển giao trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua cho thấy, các Sở, UBND cấp huyện, cấp xã cơ bản đã tổ chức thực hiện tốt Đề án. Qua 01 năm triển khai thực hiện, công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC chuyển giao cho Bưu điện được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ở cấp tỉnh và cấp huyện đã tiếp nhận 15.603 hồ sơ, trong đó, giải quyết đúng hạn 13.620 hồ sơ, đang xem xét, giải quyết 1.983 hồ sơ chưa đến hạn, trong đó, Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tiếp nhận 2.560 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 2.398 hồ sơ, đang xem xét, giải quyết 162 hồ sơ chưa đến hạn; Bộ phận Một cửa cấp huyện tiếp nhận 13.043 hồ sơ; giải quyết đúng hạn 11.222 hồ sơ; đang xem xét, giải quyết 1.821 hồ sơ chưa đến hạn. Ở cấp xã, tại Bộ phận Một cửa của 29 xã thực hiện thí điểm, nhân viên Bưu điện đã tham gia hỗ trợ Bộ phận Một cửa và người dân các công việc: Hướng dẫn, cung cấp, hỗ trợ tổ chức, công dân viết tờ khai TTHC; nhập liệu phần mềm một cửa điện tử; chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện dịch vụ công trực tuyến… Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng đã được các huyện, thị, Báo, Đài Phát thanh Truyền hình quan tâm thực hiện. Hầu hết các xã, phường tham gia thực hiện Đề án đều tổ chức thông tin, tuyên truyền về Đề án qua thông qua các kênh như: Thông báo trên Trạm truyền thanh; thông tin trong các cuộc họp hội nghị của UBND, Đoàn thể xã, sinh hoạt hội quán…

Đánh giá chung, việc thực hiện Đề án đã mang lại nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC và được người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đồng tình ủng hộ. Hầu hết bộ phận một cửa đều có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn so với trước khi thực hiện Đề án. Công chức một cửa, nhân viên Bưu điện nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm được giao và thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương giảm chi đầu tư cơ sở vật chất, chi tiêu thường xuyên và giảm tải khối lượng công việc tại Bộ phận Một cửa và đơn vị chuyên môn; giảm số lượng công chức thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Ý thức, thái độ phục vụ của công chức, viên chức và nhân viên Bưu điện đối với tổ chức, công dân ngày càng được nâng cao. Tổ chức, công dân được phục vụ tốt hơn khi đến liên hệ giải quyết TTHC, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức thực hiện TTHC thông qua việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và được hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Mạng bưu chính công cộng ở các địa phương thực hiện thí điểm được khai thác hiệu quả; các điểm Bưu điện văn hoá xã được duy trì và phát triển, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả Mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân.

Đã có hơn 30 Đoàn công tác của các tỉnh bạn đã đến tham quan, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về mô hình. Qua đó, đã cho thấy hiệu ứng tích cực và sự lan toả của Đề án thí điểm đang thực hiện tại Đồng Tháp. Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong quá trình thực hiện thí điểm tại Đồng Tháp đó là ngày 04/5/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 1407/BTTTT-BC về việc lấy ý kiến về Đề án “Thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương”, để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định cho phép thí điểm mô hình trên phạm vi cả nước. Đây là dự thảo rất phù hợp với Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh mà Đồng Tháp và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã triển khai từ ngày 01/8/2018 đến nay. Điều này minh chứng cho thực tiễn của Đồng Tháp đã được Bộ, Ngành Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, trong đó, rất nhiều nội dung của dự thảo Đề án đã nhắc đến Đồng Tháp như ví dụ tốt trong thực hiện Đề án này để triển khai nhận rộng ra cả nước.

Đương nhiên, trong quá trình thí điểm cũng đã phát sinh một số khó khăn, hạn chế không thể tránh khỏi như: Nhân sự, trụ sở, trang thiết bị của một số Bộ phận Một cửa kết hợp Bưu điện văn hóa cấp xã vẫn chưa hoàn thiện về số lượng, chất lượng và nhân viên Bưu điện văn hoá xã chưa hỗ trợ được nhiều cho người dân trong thực hiện thực hiện các nhiệm vụ của Đề án chuyển giao... Tuy nhiên, các khó khăn, hạn chế trên đều đã được UBND Tỉnh và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời…

Do đó, có thể khẳng định kết quả thí điểm mô hình chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là rất khả quan, đã dần định hình một phương thức làm việc mới, theo hướng văn minh, hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi nhiều nhất cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các TTHC. Chính những kết quả trên là cơ sở để UBND Tỉnh và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục triển khai giai đoạn 3, bắt đầu từ ngày 01/8/2019, cụ thể:

+ Về chuyển giao nhiệm vụ hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho nhân viên Bưu điện thực hiện: Mở rộng chuyển giao 02 lĩnh vực tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công Tỉnh gồm: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; chuyển giao từ 04 đến 10 lĩnh vực tại 04 Bộ phận Một cửa của: Huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, huyện Châu Thành, thành phố Sa Đéc; mở rộng chuyển giao từ 04 đến 05 lĩnh vực tại 02 Bộ phận Một cửa của: Thị xã Hồng Ngự và huyện Lai Vung (đơn vị đã thực hiện giai đoạn 2); riêng đối với Bộ phận Một cửa huyện Thanh Bình (đơn vị đã thực hiện giai đoạn 1) thực hiện đối với các TTHC thuộc tất cả các lĩnh vực.

+ Về bố trí trụ sở làm việc: Bố trí trụ sở Bộ phận Một cửa 03 huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò và 02 xã (Bình Hàng Trung thuộc huyện Cao Lãnh, Thường Thới Hậu B thuộc huyện Hồng Ngự) tại trụ sở Bưu điện cấp huyện, cấp xã các đơn vị nêu trên.

Sau khi triển khai giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 01/8/2019, Đề án sẽ tiếp tục triển khai tại những đơn vị đáp ứng đủ điều kiện về trụ sở và đội ngũ nhân viên Bưu điện.

Tóm lại, kết quả thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp 01 năm đã cung cấp cơ sở thực tiễn để triển khai nhân rộng việc thí điểm ra nhiều địa phương khác trong cả nước. Đề án thí điểm đã thử nghiệm và xác lập 01 phương thức làm việc mới, bổ sung cho việc tổ chức thực hiện các TTHC tại địa phương. Trực tiếp là cung cấp cơ sở thực tiễn và lý luận để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh cho cách thức tổ chức thực hiện các TTHC quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích./.

                                                                    - Trần Văn Tấn -

Có thể bạn quan tâm