Xuất bản thông tin

null Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Đề án thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương

Nghiên cứu trao đổi Chi tiết bài viết

Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Đề án thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương

Nhân dịp Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 1407/BTTTT-BC ngày 04/5/2019 về việc lấy ý kiến về Đề án “Thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương”; bài viết sau đây xin trao đổi thêm 01 góc nhìn của bản thân người viết nhằm tiếp tục đóng góp, làm rõ các nội dung có liên quan của dự thảo Đề án. Trong đó, chủ yếu trao đổi về những vấn đề chung cần đóng góp để qua đó góp phần hoàn thiện dự thảo cũng như góp phần đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của Đề án khi triển khai thực hiện trong thực tế, với các nội dung cụ thể như sau:

Thực hiện chủ trương của Đảng: “Chuyển một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”, UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã chủ động phối hợp xây dựng và triển khai Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 1 của Đề án đã bắt đầu thực hiện từ ngày 01/8/2018 và giai đoạn 2 của Đề án đã bắt đầu thực hiện từ ngày 05/11/2018. Từ thực tế đó, bản thân đánh giá cao và cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Đề án do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo vì qua ở Đồng Tháp cho thấy tính khả thi và hiệu quả, nhất là phù hợp với xu hướng cải cách của nền hành chính phục vụ, xem người dân là khách hàng mà bộ máy hành chính đang hướng đến.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Đề án được triển khai ở cả 03 cấp. Ở cấp tỉnh, đã triển khai tại Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và Phục vụ hành chính công. Theo đó, đã chuyển giao cho Bưu điện Tỉnh nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thuộc 06 sở gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông. Ở cấp huyện, 06 Bộ phận Một cửa cấp huyện gồm: Huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông, huyện Lai Vung, huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự đã được bố trí tại trụ sở Bưu điện cùng cấp và chuyển giao cho Bưu điện nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC từ 04 đến 10 lĩnh vực; riêng tại Bộ phận Một cửa huyện Tam Nông đã thực hiện chuyển giao tất cả các lĩnh vực. Ở cấp xã, 27 Bộ phận Một cửa xã, phường thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố được bố trí tại nhà Bưu điện văn hóa cấp xã và nhân viên Bưu điện văn hoá đã tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhận, gửi các TTHC liên thông, các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, các TTHC theo Mô hình Hẹn giờ thực hiện các TTHC tại nhà người dân trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, qua hơn 9 tháng thực hiện cho thấy, Đề án đã mang lại nhiều tiện ích cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC và được người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đồng tình ủng hộ. Hầu hết bộ phận một cửa đều có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn so với trước khi thực hiện Đề án. Công chức một cửa, nhân viên Bưu điện nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm được giao và thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương giảm chi đầu tư cơ sở vật chất, chi tiêu thường xuyên và giảm tải khối lượng công việc tại Bộ phận Một cửa và đơn vị chuyên môn; giảm số lượng công chức thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Ý thức, thái độ phục vụ của công chức, viên chức và nhân viên Bưu điện đối với tổ chức, công dân ngày càng được nâng cao. Tổ chức, công dân được phục vụ tốt hơn khi đến liên hệ giải quyết TTHC, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức thực hiện TTHC thông qua việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và được hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Mạng bưu chính công cộng ở các địa phương thực hiện thí điểm được khai thác hiệu quả; các điểm Bưu điện văn hoá xã được duy trì và phát triển, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả Mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà người dân.

          Việc triển khai Đề án thí điểm chuyển giao được Tỉnh xem là bước đột phá trong công tác CCHC và cải cách TTHC nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, qua đó, góp phần giúp tỉnh nâng cao thứ hạng và chất lượng thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số CCHC (PAR) trong năm vừa qua.

Từ thực tiễn thí điểm sinh động nêu trên và qua nghiên cứu dự thảo Đề án cho thấy, để Đề án hoàn thiện hơn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thí điểm ở các địa phương khác, dự thảo cần được xem xét, điều chỉnh, bổ sung ở những nội dung như sau:

1. Về xác định nơi bố trí trụ sở Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện:

Thống nhất với cách tiếp cận vấn đề như dự thảo là: Ưu tiên đặt trụ sở Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện tại trụ sở của Bưu điện tương đương ở địa phương chưa có trụ sở cho Bộ phận Một cửa, để tiết kiệm ngân sách cho việc xây dựng, sửa chữa. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm trường hợp là nếu tại nơi đó trụ sở của Bưu điện có diện tích mặt bằng rộng hơn, vị trí thuận lợi hơn trụ sở Bộ phận Một cửa hiện tại thì vẫn có thể ưu tiên đặt tại trụ sở của Bưu điện để dễ cho các địa phương triển khai thí điểm theo Đề án này vì hiện tại cơ bản các tỉnh, các huyện đều có thể bố trí trụ sở Bộ phận Một cửa nhưng diện tích mặt bằng đôi khi còn chật hẹp hoặc ở vị trí chưa thuận lợi để người dân tiếp cận so với trụ sở của Bưu điện.

Góp ý như trên sẽ giúp bao quát và phù hợp hơn với thực tiễn, đồng thời, tránh vịn vào lý do đã có trụ sở Bộ phận Một cửa rồi thì không triển khai Đề án. Thực tế ở Đồng Tháp cho thấy trước khi triển khai Đề án, ngoài trụ sở Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ HCC còn mang tính chất tạm thời, còn lại 12/12 huyện, thị xã, thành phố đều đã bố trí trụ sở Bộ phận Một cửa. Tuy nhiên, do thấy được sự thuận tiện khi bố trí Bộ phận Một cửa tại Trụ sở Bưu điện trong việc phục vụ người dân thực hiện TTHC, UBND Tỉnh đã chỉ đạo nhất quán theo định hướng là bố trí toàn bộ Bộ phận Một cửa ở cả 03 cấp tại trụ sở Bưu điện tương đương, nơi nào trụ sở Bưu điện đáp ứng được yêu cầu đặt Bộ phận Một cửa thì sẽ bố trí.

2. Về các nhiệm vụ dịch vụ hành chính công:

Bản thân thống nhất với nội dung thí điểm nêu trong dự thảo như: Thí điểm giao việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ phận Một cửa các cấp và một số dịch vụ công khác cho doanh nghiệp bưu chính được Nhà nước chỉ định duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện tại địa phương. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung vào Đề án nhiệm vụ sau đây: Tư vấn, soạn thảo các loại giấy tờ liên quan đến TTHC, hợp đồng uỷ quyền trọn gói giải quyết một số lĩnh vực, TTHC từ xây dựng hồ sơ, nộp hồ sơ đến nhận kết quả tại nhà theo yêu cầu của người dân, tổ chức hoặc theo địa chỉ được chỉ định và các dịch vụ cần thiết khác khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo mức giá dịch vụ và danh mục TTHC được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc bổ sung nhiệm vụ trên nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, công dân trong việc lựa chọn phương thức thực hiện các dịch vụ công phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân, cũng như chứng tỏ rõ nét ưu điểm của mô hình thí điểm này so với cách thực hiện theo quy định hiện hành. Tại Điểm e Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/21018 của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có nêu một những nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận Một cửa là: “...cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết về pháp lý, thanh toán phí, lệ phí, nộp thuế, phiên dịch tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc (nếu cần), sao chụp, in ấn tài liệu và các dịch vụ cần thiết khác khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo mức giá dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;” cũng đã có những ý tưởng về việc cung cấp những hỗ trợ này cho người làm TTHC. Tuy nhiên, các vướng mắc trong quy định hiện nay sẽ rất khó triển khai thực hiện nội dung này. Khi Doanh nghiệp bưu chính tham gia Đề án sẽ có đủ tư cách pháp nhân và độ tin cậy đối với người dân, doanh nghiệp để thực hiện hỗ trợ các loại dịch vụ, qua đó, sẽ hạn chế triệt để tình trạng môi giới (“cò”) trục lợi từ sự thiếu hiểu biết của người thực hiện TTHC. Đây là một thực tế và việc triển khai Đề án là một giải pháp tốt để ngăn ngừa những tiêu cực phát sinh trong việc giải quyết TTHC của tổ chức, công dân.

3. Bổ sung nhiệm vụ hướng dẫn triển khai Đề án của các bộ, ngành Trung ương và UBND cấp tỉnh:

Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, Đề án cần bổ sung nhiệm vụ đối với một số bộ, ngành Trung ương như sau:

- Đối với Văn phòng Chính phủ nhiệm vụ: “Hướng dẫn phương thức và quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc triển khai thí điểm Đề án này tại Bộ phận Một cửa các cấp”, để các địa phương thí điểm dễ thực hiện, tránh vướng mắc với các quy định hiện hành về việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

- Đối với Bộ Tài chính nhiệm vụ: “Hướng dẫn cơ chế thanh toán cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích theo quy định tại Đề án thí điểm này”, để các địa phương thí điểm dễ triển khai thực hiện.

- Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm vụ: “Ban hành Quy chế phối hợp quản lý Đề án thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông”, để xác định rõ nội dung các nhiệm vụ thực hiện và trách nhiệm phối hợp quản lý giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan như: Sở, ngành tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã; người đứng đầu Bộ phận Một cửa các cấp; Bưu điện cấp tỉnh, cấp huyện; công chức, viên chức các phòng, ban chuyên môn; nhân viên Bưu điện được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả...

Tóm lại, việc ban hành Đề án thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương là một bước đi cần thiết trong tiến trình cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng hiện nay. Trong thực tế giải quyết TTHC vẫn còn một bộ phận công chức, viên chức có tinh thần, thái độ phục vụ chưa cao, thậm chí vòi vĩnh, cửa quyền, tiêu cực, nhũng nhiễu người dân, tổ chức khi thực hiện các TTHC (mang tâm lý của người “ban ơn”). Đồng thời, một bộ phận không nhỏ người dân còn tâm lý e ngại khi đến liên hệ giải quyết TTHC tại các cơ quan công quyền nên chưa mạnh dạn phản ánh về những hành vi tiêu cực khi gặp phải mà thường nhẫn nhịn cho qua (mang tâm lý của người “cầu cạnh, xin xỏ”). Khi thực hiện Đề án thí điểm này cũng chính là hướng đến xoá bỏ các tâm lý chưa đúng nêu trên trong thực hiện TTHC hiện nay, khi Bộ phận Một cửa được chuyển đến trụ sở Bưu điện và nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC được chuyển cho nhân viên Bưu điện thực hiện thì mối quan hệ giữa cơ quan cung ứng và người được cung ứng các dịch vụ công sẽ bình đẳng hơn, tách bạch hơn. Đặc biệt, người dân sẽ được đối xử như khách hàng thực sự và được quan tâm, phục vụ, chăm sóc chu đáo hơn. Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng Đề án hướng tới chính là giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC và người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện TTHC ở các cấp: Tỉnh, huyện, xã ngay tại cộng đồng nơi mình sinh sống./.

                                                                             - Trần Văn Tấn -

Có thể bạn quan tâm